CHÍNH SÁCH BẢO VỆ TRẺ EM

MỤC ĐÍCH

Là một cộng đồng đa dạng về tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa và tư duy độc lập, Trường Quốc tế Á Châu đặc biệt tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân. Trường Quốc tế Á Châu tin rằng giá trị cốt lõi của học tập là mỗi cá nhân được truyền cảm hứng và được trao cơ hội để phát triển toàn diện năng lực bản thân, chủ động kiến tạo và mở rộng kiến thức để hoàn thành mục tiêu của bản thân. Trường Quốc tế Á Châu hướng đến mục tiêu nâng cao tri thức, kỹ năng, sự phát triển toàn diện cho học sinh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung của xã hội thông qua triết lý giáo dục “Tâm hồn Việt Nam, giáo dục thế giới”. Với tư cách là những thành viên trong cộng đồng trường, toàn thể nhân viên, giáo viên và học sinh Trường Quốc tế Á Châu đều không ngừng nỗ lực vun đắp nên môi trường thúc đẩy sự tin tưởng, tôn trọng, văn minh, sáng tạo và tự do học hỏi. Nhằm duy trì và phát triển môi trường này, tất cả nhân viên, giáo viên và học sinh của Trường phải tuân thủ Chính sách bảo vệ trẻ em. Tất cả các nhân viên, giáo viên và học sinh đều có trách nhiệm đọc và nắm rõ chính sách này cũng như những kỳ vọng mà Trường Quốc tế Á Châu và các bên liên quan đặt ra.

HIỂU RÕ VỀ BẢO VỆ TRẺ EM

Trường Quốc tế Á Châu định nghĩa bảo vệ trẻ em trên nền tảng điều luật sau trong Sổ tay bảo vệ trẻ em của Hiệp hội Các Trường Quốc tế Châu Phi (AISA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được đăng tải trên trang web Trung tâm Quốc tế về Trẻ em Mất tích và Bị bóc lột (ICMEC):

“Vấn đề bảo vệ trẻ em xoay quanh điều tra, xử lý thích hợp các vụ việc ngược đãi trẻ do bất kỳ ai thực hiện, bất kể sự việc đó được tố giác, do trẻ tự thổ lộ, do chứng kiến, hay chỉ là nghi ngờ. Ngược đãi trẻ em bao gồm tất cả những cách đối xử làm tổn hại sức khoẻ thể chất và cảm xúc của trẻ, nạn lạm dụng tinh dục, bỏ rơi trẻ vô ý hay có chủ đích, bóc lột trẻ dưới bất kỳ hình thức nào. Những hành vi này gây tác động tiêu cực hay có thể tác động tiêu cực đến sức khoẻ, sự sống, sự phát triển, hay nhân phẩm của trẻ. Những cá nhân ngược đãi trẻ không chỉ có những người trực tiếp làm tổn thương trẻ mà còn bao gồm cả những người không xử lý, không tích cực ngăn chặn những hành vi có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Trẻ có thể bị ngược đãi tại nhà, tại một khu vực công cộng, khu vực trường học; có thể bị ngược đãi trên không gian mạng, hay bị ngược đãi trực tiếp bởi một người trẻ quen biết hay hiếm hơn, bởi một người xa lạ. Trẻ có thể gặp phải nhiều hình thức ngược đãi khác nhau cùng một lúc. Hầu hết đối tượng ngược đãi trẻ là người trẻ quen biết, kính trọng, thậm chí tin tưởng. Người lớn cần thấu hiểu những lý do khiến trẻ không muốn tiết lộ về vụ việc ngược đãi trẻ đã gặp phải.”

QUYỀN LỢI CỦA HỌC SINH VÀ TUYÊN BỐ VỀ BẢO VỆ TRẺ EM

Chính sách bảo vệ trẻ em của Trường Quốc tế Á Châu được thiết kế nhằm tạo ra môi trường học tập an toàn, liên tục bảo vệ mọi học sinh và nhân viên, giáo viên về mặt thể chất, tinh thần, và xã hội. Phụ huynh có thể tin tưởng quyền lợi của học sinh sẽ được bảo vệ và các em sẽ được tôn trọng, đối xử công bằng. Ưu tiên hàng đầu của Trường Quốc tế Á Châu là đảm bảo cho tất cả học sinh đều được an toàn ngay từ khi bước chân vào sân trường cho đến lúc tan trường trở về nhà. Chính sách bảo vệ trẻ em của Trường Quốc tế Á Châu được xây dựng để nuôi dưỡng một môi trường học tập an toàn thông qua việc không ngừng bảo vệ sức khoẻ thể chất, tinh thần và sự phát triển xã hội của mỗi học sinh. Chính sách bảo vệ trẻ em của Trường Quốc tế Á Châu tuân thủ với các quy định của Việt Nam về bảo vệ trẻ em (Luật số 102/2016/QH13) và Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em (1990).

PHẠM VI ÁP DỤNG

Chính sách bảo vệ trẻ em áp dụng cho:

• Tất cả nhân viên của Trường Quốc tế Á Châu.

• Học sinh

• Khách đến trường tham quan, công tác

• Thành viên Hội đồng trường

CAM KẾT TUÂN THỦ CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ QUYỀN TRẺ EM (1990)

I. Bảo vệ quyền lợi – Trường Quốc tế Á Châu có trách nhiệm thực hiện tất cả các biện pháp sẵn có để đảm bảo quyền lợi của học sinh được coi trọng, bảo vệ và thực hiện đầy đủ.

• Tất cả nhân viên, giáo viên đều hiểu biết thấu đáo về Chính sách bảo vệ trẻ em.

• Tất cả nhân viên, giáo viên đều biết được hành vi và trách nhiệm của họ khi tương tác với học sinh, cả trong và ngoài trường và trong lúc làm việc.

• Tất cả nhân viên, giáo viên đều hiểu các chính sách, quy trình bảo vệ trẻ em và biết nên làm gì khi vụ việc liên quan đến sự an toàn của học sinh được chứng kiến hoặc trình báo.

• Tất cả nhân viên, giáo viên không ngừng phấn đấu để góp phần phát triển một môi trường học tập lành mạnh và an toàn, nuôi dưỡng sức khoẻ thể chất, tinh thần và sự phát triển xã hội của tất cả học sinh.

II. Bảo vệ trẻ khỏi bạo hành, ngược đãi, và bỏ rơi – Theo Điều 19 của Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em (1990), học sinh sẽ được bảo vệ khỏi bạo hành, ngược đãi, và bỏ rơi.

• Tất cả nhân viên, giáo viên đều bị nghiêm cấm tiếp xúc và có những hành vi đụng chạm không phù hợp và không chính đáng với học sinh.

• Tất cả nhân viên, giáo viên có trách nhiệm trình báo khi chứng kiến bất kỳ hành vi bạo lực nào về mặt thể chất, tinh thần, hay xã hội.

• Tất cả nhân viên, giáo viên có trách nhiệm trình báo và tiến hành các hành động thích hợp khi chứng kiến bất kỳ hình thức bắt nạt nào có thể gây nguy hại đến sức khoẻ thể chất, tinh thần hoặc sự phát triển xã hội của học sinh.

• Tất cả các nhân viên, giáo viên có trách nhiệm mang đến một nền giáo dục chất lượng, toàn diện cho học sinh, đảm bảo rằng không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

• Tất cả nhân viên, giáo viên phải cân nhắc và ưu tiên cho sức khoẻ và sự an toàn của học sinh trong tất cả các hoạt động liên quan đến trường lớp. Nhân viên, giáo viên phải đảm bảo biện pháp phòng ngừa thích hợp khi cần (khi tiến hành thí nghiệm, sử dụng thiết bị, tham gia các hoạt động thể thao,…) để giảm thiểu những rủi ro có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ thể chất, tinh thần hoặc sự phát triển xã hội của học sinh.

III. Quyền thể hiện bản sắc cá nhân – Theo Điều 13 và Điều 14 của Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em (1990), học sinh có quyền tự do trong thể hiện bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, và tôn giáo của mình. Nhân viên, giáo viên không được phân biệt đối xử hoặc cấm học sinh thể hiện bản sắc và niềm tin cá nhân của các em. Nhân viên, giáo viên cũng có trách nhiệm bảo vệ và có hành động can thiệp phù hợp khi chứng kiến các hành vi làm mất thể diện và niềm tin cá nhân của học sinh từ những bạn cùng trang lứa.

• Học sinh có quyền tự do tín ngưỡng và sẽ không bị ngược đãi hay phân biệt đối xử vì điều đó.

• Học sinh có quyền thể hiện văn hóa, ngôn ngữ, và xuất thân của bản thân và sẽ không bị giáo viên, nhân viên ngược đãi hay phân biệt đối xử vì điều đó.

• Học sinh có quyền đưa ra ý kiến và quan điểm riêng của mình và sẽ không bị ngược đãi hay phân biệt đối xử vì điều đó.

IV. Các loại chất kích thích hợp pháp/không hợp pháp – Theo Điều 33 của Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em (1990), nhà trường phải ngăn chặn học sinh tham gia sử dụng hoặc tiêu thụ các loại chất kích thích. Ngoài ra, nhân viên, giáo viên và học sinh sẽ không được phép vào trường khi đang sử dụng các loại chất kích thích tác động tiêu cực đến năng lực tư duy và hành vi, dù chất đó có hợp pháp hay không.

• Tất cả học sinh và nhân viên, giáo viên đều không được phép uống rượu trước và trong giờ học, giờ làm việc.

• Tất cả học sinh và nhân viên, giáo viên đều không được phép sử dụng bất kỳ loại chất kích thích nào gây tác động tiêu cực đến khả năng tư duy, hành vi và gây nguy hiểm cho sức khoẻ thể chất, tinh thần và sự phát triển xã hội của học sinh trước và trong giờ học, giờ làm việc.

• Tất cả học sinh và nhân viên, giáo viên đều có trách nhiệm trình báo bất kỳ vụ việc nào liên quan đến nhân viên, giáo viên hoặc học sinh sử dụng các chất kích thích trước và trong giờ học, giờ làm việc, bất kể chất đó có hợp pháp hay không.

• Tất cả học sinh và nhân viên, giáo viên đều không được phép mang bất kỳ chất kích thích bất hợp pháp nào vào sân trường.

V. Lạm dụng tình dục – Theo Điều 34 của Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em (1990), Trường Quốc tế Á Châu bảo vệ học sinh khỏi mọi hình thức lạm dụng tình dục.

• Tất cả nhân viên, giáo viên đều bị cấm tiếp xúc và cư xử không phù hợp với học sinh, cụ thể là những hành động đụng chạm không phù hợp, dù là trực tiếp hay có quần áo ngăn cách.

• Tất cả nhân viên, giáo viên đều bị cấm sử dụng những từ ngữ và hành vi mang tính gợi dục không phù hợp trong khuôn viên trường.

• Tất cả nhân viên, giáo viên đều bị cấm hình thành các mối quan hệ cá nhân bất thường hoặc không phù hợp với học sinh.

• Tất cả nhân viên, giáo viên đều có trách nhiệm trình báo và ngăn chặn những hành động có dấu hiệu lạm dụng tình dục (dù bằng hành động hay bằng ngôn từ).

VI. Các hình phạt – Theo Điều 28 của Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em (1990), không ai được phép trừng phạt học sinh theo cách tàn nhẫn hoặc gây tổn hại cho học sinh về mặt thể chất, tinh thần, và xã hội.

• Tất cả nhân viên, giáo viên đều không được phép sử dụng bất kỳ hình thức xử phạt nào gây hại đến thể chất để kỷ luật học sinh.

• Tất cả nhân viên, giáo viên đều không được phép sử dụng ngôn từ thô lỗ có thể gây tổn hại về tinh thần hoặc cảm xúc khi trò chuyện với học sinh.

• Tất cả nhân viên, giáo viên đều có trách nhiệm kỷ luật học sinh một cách phù hợp khi cần thiết, tuân thủ các chính sách và quy trình kỷ luật của Trường Quốc tế Á Châu.

VII. Quy trình sàng lọc – Trường có các quy trình giúp sàng lọc tất cả các ứng viên có tiềm năng làm việc cho trường để đảm bảo học sinh chỉ tương tác với những cá nhân đáng tin cậy trong cộng đồng.

• Trường Quốc tế Á Châu yêu cầu tất cả nhân viên, giáo viên tiềm năng, kể cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài, xuất trình lý lịch tư pháp từ quốc gia xuất xứ của họ để thuận tiện cho việc kiểm tra hồ sơ phạm tội trước đó.

• Trường Quốc tế Á Châu không tuyển dụng những ứng viên có tiền án tiền sự.

• Trường Quốc tế Á Châu yêu cầu tất cả nhân viên, giáo viên tiềm năng phải trải qua các cuộc phỏng vấn và sàng lọc trực tiếp để đánh giá và tuyển chọn nếu muốn trở thành nhân viên chính thức của Trường Quốc tế Á Châu.

• Trường Quốc tế Á Châu thường xuyên kiểm tra giáo viên thông qua các buổi dự giờ có thông báo trước hoặc đột xuất để kiểm tra khả năng giảng dạy và mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh để đảm bảo học sinh phát triển tốt về mặt thể chất, tinh thần, và xã hội.

• Trường Quốc tế Á Châu yêu cầu tất cả nhân viên, giáo viên tiềm năng cung cấp giấy tờ phù hợp với vị trí ứng tuyển (bằng cấp, giấy phép hành nghề, sơ yếu lý lịch, và các tài liệu liên quan) để đánh giá trình độ của ứng viên.

VIII. Giáo dục có hệ thống – Tất cả học sinh đều có quyền được thụ hưởng nền giáo dục toàn diện, có hệ thống, tập trung vào phúc lợi và sự an toàn của học sinh…

• Trường Quốc tế Á Châu đảm bảo rằng tất cả nhân viên, giáo viên đều ưu tiên cho sức khoẻ và sự an toàn của học sinh trong mọi hoạt động của trường.

• Trường Quốc tế Á Châu đào tạo đội ngũ chuyên trách và nâng cấp trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ tốt nhất sức khoẻ thể chất, tinh thần, và sự phát triển xã hội của học sinh. Đội ngũ này bao gồm nhân viên y tế và nhân viên tham vấn.

• Trường Quốc tế Á Châu tổ chức khám sức khoẻ hằng năm miễn phí cho tất cả học sinh của mình nhằm đảm bảo sức khoẻ tổng thể của các em.

• Trường Quốc tế Á Châu đảm bảo rằng tất cả các nhân viên, giáo viên sắp được tuyển dụng và nhân viên, giáo viên mới vào làm tại tất cả các bộ phận đều được thông báo về chính sách và quy trình bảo vệ trẻ em của Trường Quốc tế Á Châu trước khi làm việc.

• Tất cả nhân viên, giáo viên đều được khuyến khích nâng cao sức khoẻ và sự an toàn bằng cách thường xuyên gìn giữ môi trường học tập và làm việc sạch đẹp.

• Tất cả các nhân viên, giáo viên đều bị cấm đặt học sinh vào những tình huống có thể làm tổn hại đến sức khoẻ thể chất, tinh thần, và sự phát triển xã hội của các em.

• Tất cả nhân viên, giáo viên đều được yêu cầu đảm bảo các biện pháp phòng ngừa cần thiết cho học sinh trước khi tiến hành bất kỳ hoạt động nào.

• Tất cả nhân viên, giáo viên đều phải cung cấp cho học sinh một nền giáo dục công bằng và cân đối nhằm mang đến cho tất cả các em cơ hội học tập bình đẳng, đảm bảo rằng tất cả học sinh ở mọi cấp học đều được hưởng lợi.

IX. Vệ sinh và an toàn thực phẩm – Theo Điều 24 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em (1990), tất cả học sinh đều có quyền duy trì sức khỏe tốt nhất. Trường Quốc tế Á Châu đảm bảo rằng tất cả các bữa ăn tại trường được kết hợp nhiều loại thực phẩm tươi sống, bổ dưỡng hỗ trợ sự phát triển chiều cao và trọng lượng cũng như sự phát triển toàn diện của học sinh.

• Trường Quốc tế Á Châu cung cấp các bữa ăn phong phú, bổ dưỡng theo Tháp dinh dưỡng do Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp với Tổ chức Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc công bố.

• Trường Quốc tế Á Châu tuyển dụng các bác sĩ có bằng cấp để kiểm tra chất lượng và mức độ dinh dưỡng của tất cả các bữa ăn ở trường trước khi phục vụ cho học sinh.

• Trường Quốc tế Á Châu đảm bảo khu vực tiếp phẩm, chế biến, nấu nướng, bảo quản và ăn uống luôn được vệ sinh sạch sẽ, tuân thủ các quy trình vệ sinh hằng ngày.

X. Bảo mật thông tin – Theo Điều 16 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em (1990), mọi trẻ em đều có quyền riêng tư. Tính bảo mật thông tin của học sinh được tôn trọng và thực hiện nghiêm.

• Trường Quốc tế Á Châu đảm bảo các hồ sơ học tập và hồ sơ tâm lý của học sinh được bảo mật và chỉ được chia sẻ với phụ huynh, giáo viên, quản lý, và các cơ quan nhà nước khi cần thiết.

• Trường Quốc tế Á Châu đảm bảo thông tin và hồ sơ cá nhân của học sinh sẽ không được chia sẻ với các bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của phụ huynh và học sinh, trừ trường hợp bên thứ ba có nhu cầu tiếp cận các thông tin đó hợp pháp.

XI. Phản ứng – Toàn bộ thành viên cộng đồng trường có trách nhiệm trình báo bất kỳ mối quan ngại nào liên quan đến việc bảo vệ trẻ em. Mỗi và mọi cáo buộc sẽ được đánh giá kỹ lưỡng.

• Trong trường hợp cáo buộc có đủ chứng cứ xác thực, Trường Quốc tế Á Châu sẽ xem xét lại toàn bộ chính sách có liên quan và hành động thích hợp. Tất cả các bên liên đới cáo buộc đều có quyền riêng tư và hỗ trợ trường, và chỉ các bên có liên quan mới cần được thông báo. Trường Quốc tế Á Châu sẽ bằng mọi khả năng xử lý vụ việc mà không can dự bất kỳ cơ quan khác ngoài trường và áp dụng các biện pháp công lý phục hồi, trừ khi mức độ nghiêm trọng của cáo buộc yêu cầu/cho phép sự hỗ trợ của các cơ quan bên ngoài.

• Trường Quốc tế Á Châu tin tưởng vào các quy trình công lý phục hồi và sẽ hỗ trợ tất cả các bên xuyên suốt và tuân theo quy trình phản ứng với cáo buộc. Nếu cần thiết và hợp lý, Trường Quốc tế Á Châu sẽ huy động các nguồn lực từ cộng đồng để giúp đỡ các bên cần hỗ trợ thêm. Bộ quy tắc ứng xử Trường Quốc tế Á Châu sẽ được tham khảo để xác định biện pháp phản ứng phù hợp.

VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM

Nhà trường

Nhằm đảm bảo chính sách này được hiệu quả, toàn bộ nhân viên, giáo viên nhà trường phải trao đổi, phối hợp ăn ý với nhau, vì vậy cần phải có những quy trình báo cáo, phản ứng hữu hiệu.

Ban bảo vệ trẻ em tại cơ sở

Ban Bảo vệ trẻ em tại cơ sở cần:

• Bao gồm ít nhất bốn thành viên dựa theo quy mô và tình hình thực tế tại cơ sở. Ban bảo vệ trẻ em cần có Quản lý chương trình, Tư vấn viên, Nhân viên y tế, và một số nhân sự khác theo sự phân công của Hiệu trưởng.

• Có nhiệm vụ điều tra, xử lý các vụ ngược đãi được trình báo.

• Đảm bảo Chính sách bảo vệ trẻ em được phổ biến hiệu quả và được toàn bộ nhân viên, giáo viên tại trường tuân thủ thực hiện.

Đội ngũ giáo viên

Các giáo viên cần:

• Nắm rõ Chính sách bảo vệ trẻ em và trách nhiệm của mình.

• Được tập huấn nhân biết, phòng ngừa các vụ việc ngược đãi xảy ra tại khuôn viên trường.

• Báo cáo ngay với quản lý phụ trách trong Ban bảo vệ trẻ em nếu có nghi ngờ về bất kỳ hành vi ngược đãi nào.

Các nhân viên khác

Các nhân viên khác cần:

• Nắm rõ Chính sách bảo vệ trẻ em và trách nhiệm của mình.

• Được tập huấn nhân biết, phòng ngừa các vụ việc ngược đãi xảy ra tại khuôn viên trường.

• Báo cáo ngay với quản lý phụ trách trong Ban bảo vệ trẻ em nếu có nghi ngờ về bất kỳ hành vi ngược đãi nào.

• Đảm bảo môi trường học tập an toàn bằng cách tuân thủ nghiêm các quy định, chỉ dẫn về an toàn sử dụng thiết bị và các tình huống khẩn cấp cùng nhiều hành động khác.

Giám đốc học thuật/ ĐIều phối Bảo vệ trẻ em cấp trường

Giám đốc học thuật/Điều phối bảo vệ trẻ em cấp trường cần:

• Giám sát, tổ chức rà soát các chính sách và quy trình bảo vệ trẻ em hằng năm để đảm bảo cập nhật, theo sát mục tiêu đã đặt ra.

• Trao đổi với mỗi cơ sở để tiến hành tập huấn bảo vệ trẻ em cho toàn bộ những người lớn làm việc với học sinh.

Phụ huynh

Phụ huynh cần:

• Được phổ biến về Chính sách bảo vệ trẻ em hằng năm.

• Lập tức trình báo với giáo viên chủ nhiệm hay với Ban bảo vệ trẻ em tại cơ sở khi có nghi ngờ con em bị ngược đãi.

Học sinh

• Học sinh cần được khích lệ trình báo ngay với giáo viên chủ nhiệm hay trực tiếp cho thành viên Ban bảo vệ trẻ em tại cơ sở phát hiện/nghi ngờ bản thân hay một học sinh khác bị ngược đãi, bất kể sự việc xảy ra trong hay ngoài trường.

NGƯỢC ĐÃI VÀ BỎ RƠI

Cần cẩn trọng khi tham khảo danh sách các dấu hiệu đáng quan tâm dưới đây. Mặc dù có thể là chỉ báo cho hành vi ngược đãi, những dấu hiệu này cũng có khả năng xuất hiện vì nhiều nguyên nhân khác. Trong giai đoạn thu thập thông tin, cần chú ý đến hoàn cảnh của học sinh, những vấn đề tâm lý hay khiếm khuyết các em mắc phải để có thể hiểu đúng bản chất các dấu hiệu.

Những dấu hiệu cho thấy học sinh có thể bị ngược đãi thể chất

• Những chỗ bị mất lông, tóc, vết bỏng;

• Vết bầm, quầng thâm quanh mắt, gãy xương;

• Vết thương ở những nơi khó bị thương như đùi, lưng, bụng;

• Vết phỏng điện, phỏng bàn ủi, hay phỏng tàn thuốc;

• Học sinh mặc áo dài tay ngay cả khi trời nóng;

• Học sinh từ chối thay đồ trong tiết thể dục;

• Học sinh sợ đụng chạm, như thu người hay tự động lùi xa khi có người khác chạm;

• Những vết thương không giải thích được hay không được giải thích thoả đáng;

• Những vết cắn hay những vết thương không phù hợp với lời giải thích của học sinh.

Những dấu hiệu cho thấy học sinh có thể bị ngược đãi cảm xúc (tâm lý)

• Chậm phát triển về thể chất, thần kinh, và/hoặc cảm xúc;

• Bất ngờ gặp vấn đề về giọng nói;

• Phản ứng thái quá với các lỗi lầm;

• Phản ứng không phù hợp khi bị đau;

• Các triệu chứng trầm cảm, lo âu, lãnh đạm;

• Hung hăng, hay gây mất trật tự;

• Học sinh sử dụng rượu hay các chất kích thích;

• Học sinh thực hiện các hành vi gây chú ý hay tự huỷ hoại bản thân (tự gây tổn thương, có ý định tự tử);

• Khi vui chơi, học sinh thường bắt chước các hành vi, ngôn ngữ tiêu cực học được ở nhà.

Lạm dụng tình dục là trực tiếp hay gián tiếp để người khác thực hiện bất cứ hành vi tấn công tình dục nào đối với trẻ em, theo Luật trẻ em của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chủ ý đụng chạm trực tiếp hay đụng chạm qua quần áo bộ phận sinh dục hay ngực trẻ em mà không vì lý do vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ cũng được xem là hành vi lạm dụng tình dục. Trong khi ngược đãi thể chất thường là hành vi bộc phát nhất thời, không toan tính trước, lạm dụng tình dục lại thường đã được lên kế hoạch cẩn thận, và hậu quả cũng nghiêm trọng hơn nhiều. Quá trình lên kế hoạch này, còn gọi là dẫn dụ trẻ, có thể khiến trẻ chấp nhận tội lỗi, trách nhiệm, và thấy mặc cảm cho hành vi đồi bại mà kẻ tấn công tình dục gây ra. Hành vi lạm dụng tình dục kín đáo hơn các hành vi ngược đãi khác nên cũng khó phát hiện, trình báo hơn. Nạn nhân lạm dụng tình dục, vì bị dẫn dụ, có thể vẫn vui sống hạnh phúc, không chịu bất kỳ triệu chứng tiêu cực nào do tin tưởng kẻ thủ ác yêu thương, chiều chuộng mình.

Những dấu hiệu cho thấy học sinh có thể bị lạm dụng tình dục

• Rối loạn giấc ngủ: Thường có ác mộng, trẻ có thể bị thức giấc giữa đêm với tâm trạng hoảng sợ, la hét, khóc thét…

• Rối loạn ăn uống: Nôn mửa, chán ăn hoặc ăn uống vô độ, không kiểm soát.

• Chứng lo âu, hoảng sợ: Thường xảy ra rất đa dạng, như không chịu cởi quần áo, không chịu đi vệ sinh ở trường, có xu hướng làm sạch thái quá trong cách lau chùi, sợ đàn ông, có khuynh hướng tự nhốt mình vào phòng, sợ bị đụng chạm vào người, tỏ ra hoài nghi với người khác,…

• Triệu chứng trầm cảm: Biểu hiện bằng những triệu chứng như buồn bã, thiếu tự tin, thu mình, tự đánh giá thấp bản thân, khóc không rõ lý do, có ý định tự tử hoặc hành vi tự hủy hoại khác (tự làm đau mình).

• Rối loạn hành vi tổng quát, tranh cãi với người lớn, tranh chấp với bạn bè, có hành vi tăng động bất thường. Hành vi trưởng thành giả tạo cũng được coi là dấu hiệu đặc biệt của việc bị lạm dụng tình dục (trẻ đảm nhận vai trò người lớn như mẹ hoặc vợ). Trẻ thỉnh thoảng thể hiện hành vi ấu trĩ.

• Rối loạn thể chất: Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, tiểu dầm, ỉa đùn, đau hoặc ngứa bộ phận sinh dục hoặc hậu môn, nhức đầu, choáng váng…

• Khó khăn trong học tập: kết quả học tập giảm sút, mất tập trung chú ý, mất động cơ học, mất hoạt động vui chơi, sáng tạo, thái độ chống đối thầy cô, sự tự cô lập trong lớp…

• Biểu lộ tình dục bất thường: Quan tâm quá mức với những gì liên quan tới tình dục, có trò chơi tình dục được mô phỏng qua búp bê, bạn cùng lớp; chứng phô bày cơ thể, nhất là phô bày cơ quan sinh dục; hình vẽ bất thường, thái độ quyến rũ của trẻ đối với người lớn, tò mò tình dục một cách trầm trọng, thích vuốt ve thái quá vài vùng của cơ thể hoặc ngược lại là tránh né sự vuốt ve của những người lớn quen biết.

Bỏ rơi là hành vi không đáp ứng đủ những nhu cầu cơ bản nhất của trẻ, mặc dù có điều kiện.

Bỏ rơi có các dạng:

• Bỏ rơi về thể chất (ví dụ không cung cấp đủ thức ăn, mái ấm cần thiết cho trẻ; không giám sát trẻ hợp lý như bỏ mặc trẻ tại nhà, không trông nom trong một khoảng thời gian dài).

• Bỏ rơi về y tế (ví dụ không chữa bệnh cho trẻ, không hỗ trợ trẻ về mặt sức khoẻ tinh thần); và/hoặc

• Bỏ rơi về mặt cảm xúc (ví dụ thực hiện thường xuyên các hành động: bỏ mặc nhu cầu tình cảm của trẻ; không chăm sóc trẻ về mặt tâm lý; để trẻ sử dụng rượu hoặc các chất kính thích). Các hành vi cụ thể bao gồm xúc phạm, làm nhục trẻ, cố tình không để ý đến sự hiện diện của trẻ, tự tiện xâm phạm không gian riêng của trẻ mà không có lý do, đe doạ bạo lực,…

• Bỏ rơi về mặt giáo dục (ví dụ: Phụ huynh không đáp ứng nhu cầu giáo dục cho học sinh. Trẻ em có quyền được giáo dục, vì vậy không đưa trẻ đến trường thường xuyên được xem là một hình thức bỏ rơi.)

Những dấu hiệu cho thấy học sinh có thể bị bỏ rơi:

• Học sinh không tắm rửa sạch sẽ hay bị bỏ đói;

• Phụ huynh không quan tâm đến sự phát triển của con cái về mặt học thuật, tình cảm, xã hội;

• Phụ huynh không phản hồi trước nhiều nỗ lực trao đổi từ nhà trường;

• Học sinh không muốn về nhà;

• Học sinh (nhỏ tuổi) bị bỏ mặc trong một thời gian dài mà không có phụ huynh hay người giám hộ trông nom;

• Phụ huynh không liên lạc được trong trường hợp khẩn cấp;

• Các dấu hiệu ngược đãi cảm xúc cũng có thể là dấu hiệu của học sinh bị bỏ rơi.

• Thiếu sự giám sát của người lớn;

• Nhu cầu y tế của trẻ không được đáp ứng trong thời gian dài.

TRÌNH BÁO VỤ VIỆC NGƯỢC ĐÃI, BỎ RƠI

Khi có học sinh thực tâm tiết lộ với một giáo viên, nhân viên về bất kỳ hình thức ngược đãi, lạm dụng nào, xin vui lòng tuân thủ các bước sau:

• Ân cần lắng nghe, ôn tồn khẳng định tiết lộ là việc nên làm và học sinh không có lỗi.

• Giải thích rằng việc tiết lộ là vì lợi ích của học sinh trước khi lập báo cáo gửi thành viên Ban bảo vệ trẻ em.

• Sử dụng biểu mẫu dưới phần phụ lục để trình báo vụ việc đến Ban bảo vệ trẻ em tại cơ sở càng sớm càng tốt. Có thể trình báo trực tiếp nếu học sinh đang gặp nguy hiểm.

QUY TRÌNH PHẢN ỨNG

Tuỳ thuộc vào quy mô mỗi vụ việc, trường sẽ có cách phản ứng phù hợp, nhưng nhìn chung có những bước sau.

Dưới đây là chi tiết từng bước trong quy trình phản ứng:

Chính sách bảo vệ trẻ em

Ban bảo vệ trẻ em điều tra vụ việc

Ban bảo vệ trẻ em tại cơ sở tiến hành thu thập, điều tra sơ bộ các thông tin về vụ việc được trình báo. Trong mọi trường hợp, cần lưu ý bất kỳ hành động nào thực hiện cũng phải đảm bảo thông tin được ghi nhận chính xác, với độ bảo mật cao. Tiếp đến là những bước sau:

• Dò hỏi giáo viên, nhân viên nếu cần thiết và ghi nhận những thông tin liên quan đến vụ việc.

• Hỏi ý kiến các giáo viên, nhân viên để nắm lý lịch của học sinh tại trường.

• Nếu được phép, lập bản báo cáo về sự việc có kèm kế hoạch hành động trình Hiệu trưởng phê duyệt.

• Nếu báo cáo không đủ chứng cứ xác thực, lưu vào Hồ sơ Bảo vệ trẻ em của học sinh và thông tin đến người đã trình báo ban đầu.

• Cập nhật chi tiết vụ việc đến Giám đốc Học thuật/Điều phối bảo vệ trẻ em cấp trường.

Trao đổi với phụ huynh

Dựa theo các thông tin đã thu thập và điều tra, Hiệu trưởng sẽ xem xét điều chỉnh và phê duyệt kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ học sinh và gia đình. Những bước cần thực hiện là:

• Ban bảo vệ trẻ em tại cơ sở (cùng các đơn vị khác nếu cần thiết) gặp trực tiếp gia đình và thông báo về vụ việc.

• Ban bảo vệ trẻ em tại cơ sở và giáo viên tiếp tục theo dõi học sinh.

Các bước có thể phải thực hiện sau đó là:

• Gợi ý học sinh và gia đình đến gặp chuyên gia tham vấn ngoài trường và chuyển hồ sơ cho chuyên gia đó;

• Kỷ luật đối tượng nghi ngờ thực hiện hành vi ngược đãi theo đúng chính sách của trường sau khi có kết quả xác thực về hành động của họ;

• Báo cao vụ việc đến các cơ quan chức năng địa phương.

Hành động tiếp theo

Sau khi đã trình báo vụ việc trẻ bị ngược đãi, bỏ rơi:

• Ban bảo vệ trẻ em tại cơ sở và giáo viên chủ nhiệm giữ liên lạc với học sinh và gia đình để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn khi cần.

• Ban bảo vệ trẻ em tại cơ sở và giáo viên chủ nhiệm giữ liên lạc với các chuyên gia trị liệu tâm lý (nếu có) để cập nhật tình hình của học sinh tại trường.

Bao bảo vệ trẻ em tại cơ sở sẽ lưu trữ và bảo mật toàn bộ các hồ sơ liên quan đến quá trình điều tra và chỉ cung cấp Hồ sơ Bảo vệ trẻ em chỉ được công bố khi được phụ huynh đồng ý. Tuy nhiên, trong trường hợp tin rằng vẫn có khả năng học sinh gặp nguy hiểm, Trường Quốc tế Á Châu có nghĩa vụ trình báo thông tin vụ việc đến các cơ quan chức năng có liên quan hay trường mới mà học sinh theo học nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của các em. Thông thường, Hồ sơ Bảo vệ trẻ em được miễn trừ trách nhiệm công bố, nghĩa là phụ huynh và học sinh không có quyền tự ý tiếp cận những thông tin bên trong. Trong trường hợp học sinh, phụ huynh yêu cầu xem hồ sơ này, giáo viên, nhân viên nên chuyển yêu cầu đó đến Hiệu trưởng chờ xử lý.

Xử lý cáo buộc người lớn ngược đãi trẻ em (Xem Bộ quy tắc xử lý riêng)

Chính sách được Hiệu trưởng phê duyệt. Ngày: 29/7/2023

Copyright © 2013 The Asian International School, All rights reserved