Nguyễn Đăng Gia Hoàng, học sinh lớp 10/27 Trường Quốc tế Á Châu là một trong số những đại diện của Việt Nam xuất sắc chinh phục tấm huy chương bạc bộ môn Piano danh giá tại Liên hoan Nghệ thuật Asia Pacific Arts Festival 2018 (APAF).
Tạo ấn tượng với người đối diện bằng kiểu tóc bổ luống bồng bềnh cùng nụ cười hiền hậu, ít ai nghĩ rằng cậu học trò rụt rè, bẽn lẽn Nguyễn Đăng Gia Hoàng lại cừ khôi và bản lĩnh đến thế khi bước ra sân chơi nghệ thuật tầm cỡ quốc tế.
Khổ luyện để thử thách bản thân
Gia Hoàng bén duyên với piano vì trong gia đình có anh trai chơi loại nhạc cụ này. Mỗi ngày được nghe tiếng dương cầm du dương len lỏi khắp nhà cũng là lúc đam mê của Hoàng đối với bộ môn nghệ thuật này lớn dần lên. Cho đến 3 năm trước, Hoàng bắt đầu làm quen với đàn và dần cảm nhận được âm thanh tuyệt diệu của nó có thể vượt qua mọi giới hạn của không gian, thời gian, ngôn ngữ và địa lý. Tuy vậy, cậu học trò chỉ mới chính thức tập đàn một năm nay.
Gia Hoàng kể, từ khi biết và quyết định tham gia Liên hoan Nghệ thuật Asia Pacific Arts Festival, em chỉ có 2 tháng để tập luyện. May mắn là thời gian chuẩn bị thi đấu là kỳ nghỉ hè nên Hoàng có nhiều thời gian đầu tư ôn luyện. Mỗi ngày em dành ra 5 tiếng để luyện đàn. Nếu buổi sáng Hoàng tập trung cao độ để hoàn thiện kỹ thuật thì buổi chiều em dành để thư giãn và học cách đặt cảm xúc lên phím đàn sao cho tròn đầy nhất.
Sau hơn 2 tháng miệt mài, Hoàng đã chinh phục trọn vẹn bản nhạc Chopin Prelude No. 17, Op. 28 - tác phẩm mà em chọn để thi đấu tại APAF 2018. Chia sẻ lý do chọn bài, Hoàng cho biết: “Âm nhạc của Chopin là sự kết hợp giữa hiện thực sống động và tinh thần sôi nổi, hào hiệp. Tuy nó có hơi “nặng” so với khả năng và lứa tuổi nhưng em muốn thử thách năng lực của bản thân nên đã quyết định chọn nó”. Quả ngọt xứng đáng sau 2 tháng tập luyện của Gia Hoàng chính là tấm huy chương bạc quý giá. Thành tích này càng đáng trân trọng hơn khi đây là cuộc thi quốc tế đầu tiên mà Gia Hoàng tham gia.
“Piano khiến chúng ta khác biệt”
Với Gia Hoàng, mỗi bản nhạc có mỗi sắc thái khác nhau. Điều hấp dẫn Hoàng nhất ở piano là nó hoàn toàn có thể làm tốt nhiệm vụ thể hiện được tất cả những cung bậc cảm xúc của con người trên 88 phím đàn. Người nhạc sĩ viết tác phẩm sẽ “gợi ý” cho người chơi một vài kiểu sắc thái. Tuy vậy, khi tác phẩm được trình diễn bởi mỗi người khác nhau sẽ tạo ra một chỉnh thể khác biệt. Đó là sự kết hợp giữa nội dung trên khuôn nhạc cộng với kỹ thuật và bản lĩnh của người chơi đàn. Theo Hoàng, không có một loại nhạc cụ nào thể hiện được cá tính và nét riêng của mỗi người bằng piano. Cho đến bây giờ, cậu học trò vẫn khẳng định sẽ chọn đồng hành cùng piano trong tương lai bởi tiếng đàn giúp cuộc sống của em trở nên sống động và có ích.
Lần đầu “đem chuông đi đánh xứ người”, ngoài thành tích rạng rỡ, Gia Hoàng còn được sống trong không gian văn hóa đa màu sắc, đa ngôn ngữ khi gặp gỡ, giao lưu với các thí sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Nhờ được trang bị đầy đủ kiến thức, tâm lý, đặc biệt là khả năng giao tiếp tiếng Anh trong suốt 10 năm học tập tại Trường Quốc tế Á Châu mà Hoàng tự tin hòa nhập, tìm hiểu và nhận ra sự đặc sắc của các tài năng phương Đông, từ đó có đủ bản lĩnh để mang vinh quang về cho đất nước mình.
Hải Dương